Giải bài toán thiếu nhân lực ngành cơ khí

0
4599

Trong những năm gần đây, với xu thế hội nhập, các DN trong nước và các DN FDI ngày càng đầu tư mạnh mẽ về máy móc và thiết bị công nghệ. Vì thế nhu cầu nhân lực ngành cơ khí cũng theo đó tăng lên.

Thống kê trong những năm gần đây cho thấy, cơ khí là một trong 10 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực tuyển dụng đều đặn qua các năm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên dễ dàng kiếm tìm việc làm phù hợp  chuyên môn với mức thu nhập ổn định tại các nhà máy, công ty cơ khí, tập đoàn, viện nghiên cứu, khu công nghệ cao… trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hầu hết các DN lúc nào cũng phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực cơ khí, từ công nhân đến kỹ sư. Đây đang là nghịch lý với số lao động thất nghiệp còn nhiều trong khi ngành cơ khí lại đang thiếu.

Ngành cơ khí ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao

Kinh tế biến động đã làm thay đổi tương đối cái nhìn của xã hội về giá trị nghề nghiệp. Không ít ngành nghề “hot” bị rớt giá thảm hại, trong khi một số nghề vẫn giữ được phong độ. Cũng có không ít nghề trở nên có giá hơn nhờ đổi mới công nghệ, và cơ khí là một trong những ngành đó. Lao động trong ngành cơ khí được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới do các DN ngày càng đầu tư mạnh vào máy móc, công nghệ.

Theo niên giám thống kê, cả nước có 14.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm cơ khí. Tuy nhiên chỉ có 12 DN có trên 5.000 lao động và 116 DN có trên 1.000 lao động. Nếu tính theo quy mô vốn trên 500 tỷ đồng, có khoảng gần 100 DN. Trong đó ngành cơ khí cũng đảm bảo khoảng nửa triệu việc làm.

Với xu thế phát triển của máy móc, công nghệ hiện đại cũng đồng nghĩa với việc các ngành nghề của hầu hết các lĩnh vực hiện nay đều cần có những công nhân và kỹ sư cơ khí. Do đó những lao động có tính chuyên nghiệp, sáng tạo và có kiến thức về máy móc, kỹ thuật luôn được chào đón.

Dự báo nhu cầu nhân lực liên quan đến cơ khí giai đoạn tới chiếm tỷ lệ 28% tổng nhu cầu lao động. Trong đó nhân sự trình độ trung cấp có nhu cầu nhiều nhất, chiếm tới 50%, kế đến là cao đẳng – đại học (30%). Các chuyên gia cho rằng đến năm 2020, cơ khí chế tạo chính xác, tự động hóa có nhu cầu lao động trình độ lớn khoảng hơn 20 nghìn người/năm. Đó là chưa kể nhu cầu của các công ty, dự án nước ngoài đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

Báo cáo của ngân hàng Natixis (Pháp) đã đưa ra nhận định, Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan, Philippines để trở thành trung tâm sản xuất của khu vực. Theo đó, cơ hội việc làm sẽ mở rộng với lao động ngành cơ khí chế tạo máy, nhất là lao động có kỹ năng và được đào tạo bài bản.

Trên thực tế, nhiều DN hiện đang đối mặt với bài toán thiếu nhân lực ngành cơ khí từ kỹ sư đến công nhân kỹ thuật. Đặc biệt các DN cơ khí quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn trình độ chuyên nghiệp cao, đủ sức cạnh tranh để thắng các hợp đồng tổng thầu EPC. Nhu cầu hội nhập cần có sự trao đổi, phân công hợp tác sản xuất giữa các DN cơ khí, để khắc phục những khó khăn, tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực nghiên cứu, đổi mới công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm cơ khí chất lượng, cạnh tranh… không chỉ phục vụ trên địa bàn mà còn nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Sắp tới các nước thành viên Asean phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Việc này một mặt tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng. Song mặt khác lại đặt ra những thách thức lớn cho lao động thiếu kỹ năng. Khối này thu nhập bình quân đầu người 3.100 USD/năm, nhưng chênh lệch rất lớn, từ 1.000 USD/người (Campuchia, Myanmar) đến 40.000 USD/người (Singapore).

Chênh lệch quá lớn về thu nhập có thể là nguyên nhân thúc đẩy di chuyển lao động trong khối. Trong đó sẽ không loại trừ lao động cơ khí. Theo đại diện Công ty TNHH Cơ khí Thái Long (Hà Nội), thị trường lao động cơ khí có tay nghề cao đang cạnh tranh rất khốc liệt bởi đơn vị nào cũng cần. Nếu không có chính sách giữ chân họ lại, chỗ khác trả lương cao hơn là họ đi ngay.

Trong khi các công ty, DN cơ khí đang thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao thì học sinh và phụ huynh lại ít quan tâm đến ngành học này. Các thí sinh chỉ lựa chọn ngành cơ khí khi họ không đủ điểm đậu vào ngành học đăng ký và ngành này chỉ được coi là ngành học top dưới. Theo số liệu thống kê, các thí sinh chỉ khi điểm thấp không đủ vào các khoa hót của các trường mới chọn khoa cơ khí. Vì thế, ngành này được coi là lựa chọn bất đắc dĩ của các thí sinh.

Đặc biệt, trong khi nguồn nhân lực cơ khí chất lượng trong nước đang thiếu thì học viên ngành này lại thích đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thay vì làm việc cho các công ty cơ khí trong nước. Nhiều công ty tuyển thợ cơ khí, kỹ sư cơ khí tại Hàn Quốc với mức lương hấp dẫn 30 triệu đồng/tháng, làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản với nhiều chế độ ưu đãi nên đã rất thu hút các lao động Việt Nam. Chính vì thế, các công ty cơ khí trong nước ngày càng thiếu hụt lao động.

Rõ ràng, trong xu thế phát triển, việc hợp tác đào tạo giữa nhà trường và DN cơ khí chế tạo là hết sức quan trọng. Theo ông Đào Xuân Minh, nguyên chuyên viên Viện IPSI, Bộ Công Thương, để có những nguồn nhân lực chất lượng cao phải có những giải pháp đổi mới đào tạo để phù hợp với chuẩn quốc tế. Từ công tác định hướng nghề, tuyển sinh, đào tạo… Tăng cường liên kết giữa nhà trường và cơ sở đào tạo với DN cơ khí bằng việc tổ chức ký kết các hợp đồng giao kết, hỗ trợ cho nhau trong đào tạo, phát triển và cung ứng nhân lực.

Đồng thời hoàn thiện hệ thống công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm định và đánh giá chất lượng và kết quả đào tạo. Đối với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách cần có những giải pháp nghiên cứu sửa đổi chế độ lương bổng, đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc. Tránh tình trạng bất bình đẳng và bất hợp lý về thu nhập giữa lao động trong nước và các khu vực khác nhau dẫn đến tiêu cực động cơ phấn đấu và cống hiến của nhân lực trình độ cao, nhân tài, nhất là trong khu vực cơ khí.

Nguồn : Internet –  theo Nguyễn Minh