Trường nghề “bội thu” thí sinh

0
7091

Miễn học phí, được liên thông lên cao đẳng… khiến hệ trung cấp sau THCS ở các trường nghề năm nay được “bội thu” thí sinh.

Sự kiện:

Giáo dục

Đến thời điểm này, hầu hết các trường cao đẳng (CĐ) tại TP.HCM đã hoàn tất công tác tuyển sinh để bắt đầu năm học mới 2019-2020. Đáng nói, không chỉ có một số trường có điểm chuẩn đầu vào cao, nhiều trường cũng “bội thu” thí sinh hơn dự kiến. Thậm chí ở nhiều ngành học phải ngưng tuyển sớm vì số lượng đăng ký quá nhiều.

Tuyển vượt chỉ tiêu

Năm 2019, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) là một trong ít trường hoàn thành công tác tuyển sinh sớm nhất để chuẩn bị cho năm học mới. Bởi lẽ từ cuối tháng 7, khi các trường đại học (ĐH) chưa có kết quả, trường này đã trở thành trường CĐ đầu tiên tại TP.HCM công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào chín ngành học theo điểm thi THPT quốc gia. Đáng nói, mức điểm vào nhiều ngành rất cao, thậm chí cao hơn điểm ở nhiều trường ĐH. Theo đó, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô cao nhất với 25,25 điểm, kế đến là ngành công nghệ cơ khí 22,5 điểm, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 21,5 điểm. Ngành có điểm trúng tuyển thấp nhất là kế toán cũng đến 16 điểm.

Để có mức điểm này, theo nhà trường, bởi lẽ số lượng thí sinh đăng ký vào quá đông. Tổng chỉ tiêu vào trường năm nay hơn 5.200 nhưng chỉ tiêu của chín ngành học xét theo điểm thi THPT quốc gia chỉ 2.700 em. Thế nhưng trường nhận được hơn 10.000 hồ sơ đăng ký khiến điểm chuẩn tăng cao. Còn ở các ngành khác xét theo điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và học bạ nhưng cũng có điểm xét tương đối cao.

Tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (quận Tân Bình) cũng tương tự, số thí sinh tuyển vào trường ở cả hệ CĐ lẫn trung cấp (sau THCS) đều vượt dự đoán. Cụ thể, ở hệ trung cấp liên thông lên CĐ, năm nay trường tuyển được 2.000 em xác nhận vào học. Riêng hệ CĐ, trường cũng đã tuyển đạt hơn 90% trong tổng chỉ tiêu khoảng 3.000 em.

Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay mọi năm chọn học hệ này thường là những em yếu, rớt lớp 10 công lập, không biết đi đâu nên vào học nghề. Nhưng năm nay, nhiều em dù đã đậu lớp 10 công lập với điểm số khá cao nhưng vẫn đăng ký học nghề với mong muốn học song song cả nghề lẫn văn hóa. Nhiều ngành học trường phải ngưng tuyển từ rất sớm như thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin, cơ khí, kỹ thuật ô tô…

Tương tự, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức năm nay cũng tuyển vượt chỉ tiêu ở hệ CĐ khi tuyển được hơn 3.000 em, còn hệ trung cấp cũng khá cao khi có hơn 900 em đăng ký trong khi chỉ tiêu chỉ 470 em. Và hiện số em nhập học đã đạt hơn 91,1% chỉ tiêu. Trong đó, nhóm ngành về cơ khí, ô tô và công nghệ thông tin là những ngành thu hút đông học sinh nhất.

Tương tự, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại năm nay chỉ xét điểm thi THPT quốc gia 2019 với chỉ tiêu là 3.000 em cho 10 ngành đào tạo nhưng hồ sơ đăng ký vào trường lên đến 7.000. Chính vì vậy, điểm chuẩn của trường là 15-16 điểm.

Trường nghề ‘bội thu’ thí sinh - 1

Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong một giờ học và thực hành tại trường. Ảnh:  PHẠM ANH

Lo học sinh “đứt gánh” giữa chừng

Tuyển sinh đạt kết quả cao là thành công mong đợi bước đầu của các trường nghề khi tâm lý xã hội vẫn còn nặng “vào ĐH bằng mọi giá”. Điều đó cho thấy không chỉ Nhà nước, trường nghề có những chính sách, giải pháp kịp thời để thu hút người học mà nhận thức về việc học nghề cũng đã phần nào có sự dịch chuyển tích cực.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường cho rằng đáng lo và cần phải quan tâm hơn không phải đầu vào được bao nhiêu mà đầu ra còn bao nhiêu em. Do đó, với hệ trung cấp, khi học sinh chỉ mới học xong THCS đòi hỏi các trường phải chú trọng cả về dạy lẫn chăm lo cho các em.

Theo bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, vì độ tuổi 15-16 còn quá nhỏ và bồng bột nên trường tổ chức việc học các lớp này sẽ không khác ở phổ thông, cũng họp phụ huynh, phân giáo viên chủ nhiệm, tạo nhiều sân chơi ngoài giờ học, giáo viên sát sao với tâm lý các em… để các em không bị áp lực vào việc học.

Theo quy định, các em được miễn học phí nhưng trường vẫn thu học phí vào mỗi đầu năm để các em thấy trách nhiệm hơn, vì gia đình cũng phải tốn kém cho các em học. Sau một năm, nếu các em hoàn thành quá trình học sẽ được trả lại tiền và đóng gối đầu cho năm tiếp theo…, cứ như vậy đến khi ra trường.

“Bởi lẽ các em chọn vào học đã là khó, giữ các em học làm sao thật tốt cho đến khi ra trường lại càng khó hơn. Mỗi năm có đến 40%-50% em bỏ học giữa chừng, tâm lý tuổi này rất dễ chán nản, đua đòi, cũng có những em quay lại học phổ thông bên ngoài. Nên nhà trường rất vất vả để giữ các em theo học” – bà Lý nói.

Tương tự, ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, cũng cho biết trường phải thu học phí đầu năm và trả lại sau mỗi năm học để “níu giữ” các em theo học. Trường phải đổi mới về cách quản lý, chương trình… để đào tạo các em chứ không thể áp dụng như CĐ hay ĐH được. Trường còn ưu tiên những giáo viên dạy văn hóa và dạy nghề kinh nghiệm, tâm lý để dạy cũng như theo sát các em. Tăng cường thực hành nhiều hơn, kiến tập nhiều để các em hiểu thêm về nghề và thích thú học hơn, thường xuyên kết nối với phụ huynh, có nhiều câu lạc bộ cho các em tham gia.

Nhiều trường đã tuyển đủ

Năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường CĐ, trung cấp hơn 22.000 em, tăng gần 50% so với năm 2018. Tính đến hết tháng 8 này, các trường nghề đạt vượt 10% so với chỉ tiêu tuyển sinh của năm trước. Nhiều trường nghề đã tuyển đủ học sinh để khai giảng sớm. Ở nhiều ngành như công nghệ thông tin, du lịch… đông học sinh hơn. Những ngành nghề kinh tế kinh doanh, quản trị kế toán trong hệ đào tạo CĐ, trung cấp cũng giảm nhiều theo nhu cầu xã hội.

Đã thay đổi nhận thức về học nghề

Thí sinh, phụ huynh đã phần nào thay đổi nhận thức về việc học nghề, chưa kể chính sách ưu đãi về miễn học phí, được liên thông lên CĐ thu hút các em hơn. Thay vì học ĐH, để đi làm được cũng mất 4-7 năm trong khi học trung cấp liên thông CĐ chỉ mất 3,5 năm.