TTO – Đó là khẳng định của TS Nguyễn Hồng Minh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH – về việc học nghề của giới trẻ hiện nay.
TS Minh nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025″ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp một cách rõ ràng hơn.
Nhiều chính sách hỗ trợ
* Thưa ông, trong bối cảnh ngày càng nhiều cánh cửa vào đại học nhờ sự đa dạng trong cách thức tuyển sinh, đâu là lợi thế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thu hút người học?
– Lợi thế thứ nhất đó là chính sách hấp dẫn khi có nhiều diện miễn học phí và chính sách hỗ trợ cho người học. Thứ hai là thời gian học ngắn hơn đại học. Chương trình đào tạo là thực hành chiếm trên 70% tùy trình độ đào tạo. Đó là chưa kể quá trình đào tạo gắn với doanh nghiệp nên việc thực hành, thực tập của người học sẽ được tiến hành tại doanh nghiệp.
Lợi thế thứ ba, giáo dục nghề nghiệp có khoảng 825 nghề trình độ trung cấp, 559 nghề trình độ cao đẳng ở 90 nhóm ngành nghề đào tạo, bao phủ mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, chưa kể đến hàng nghìn các nghề trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo ngắn hạn khác.
Ngoài lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ như máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật; kiến trúc và xây dựng; sản xuất và chế biến; nông lâm nghiệp thủy sản; môi trường và bảo vệ môi trường… còn nhiều lĩnh vực khác như giáo viên; văn hóa nghệ thuật; ngôn ngữ (tiếng Anh, Đức, Pháp…); báo chí thông tin truyền thông; kinh doanh và quản lý; pháp luật; sức khỏe (y tế); dịch vụ xã hội, dịch vụ vận tải; du lịch khách sạn; an ninh quốc phòng… cho học sinh sau THCS, THPT lựa chọn.
Lợi thế thứ tư là cơ hội việc làm dễ dàng, thu nhập cao.
“Theo báo cáo từ các sở Lao động – thương binh và xã hội, tính trung bình ba năm trở lại đây trên 80% người học cao đẳng, trung cấp tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ở một số nghề và một số trường đạt gần 100% có việc làm”.
TS NGUYỄN HỒNG MINH
* Ngày nay vẫn còn nhiều định kiến cho rằng học nghề kém sang hơn đại học cả về đầu vào lẫn đầu ra, và chỉ là lựa chọn của nhiều học sinh khi không trúng tuyển vào ĐH. Ông nghĩ gì về điều này?
– Quan niệm học nghề thua kém hơn so với học đại học đã là quan niệm rất lỗi thời. Bởi thực tế cho thấy những người có tay nghề tốt khi lập nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi và dễ đạt đến thành công hơn.
Ở Việt Nam hiện nay xu thế người học đại học vẫn đang chiếm tỉ lệ lớn, tỉ lệ người học trường nghề chỉ chiếm khoảng từ 8-10% dẫn đến tình trạng thất nghiệp chiếm tỉ lệ cao.
Chúng tôi cho rằng học gì cũng tốt, nghề nào cũng hay. Điều quan trọng là việc học đó, nghề đó phải phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình của các em học sinh và nhất là phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Nhu cầu nhân lực cao
* Theo ông, thị trường lao động hiện tại và trong khoảng 10 năm nữa sẽ “khát” nhân lực ở những ngành nghề nào mà trường nghề có lợi thế cung ứng?
– Đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy gần như tất cả các ngành nghề đều có nhu cầu về nhân lực qua đào tạo, đặc biệt là nhân lực có tay nghề cao trong giáo dục nghề nghiệp.
Các ngành, nghề trong giáo dục nghề nghiệp mà các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao trong thời gian gần đây thuộc các lĩnh vực như: cơ khí, điện dân dụng, máy lạnh và điều hòa không khí, xây dựng, công nghệ thông tin và máy tính, điện tử, ô tô, du lịch, quản trị khách sạn, nhà hàng, logistics…
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có nhiều nhóm ngành, nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao như: công nghệ thông tin; điện tử viễn thông; cơ điện tử, điều khiển robot; công nghiệp chế biến; công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao; logistics; du lịch dịch vụ; dệt may, giày da…
* Vậy Tổng cục giáo dục nghề nghiệp có những giải pháp gì để thu hút người học nghề?
– Để hỗ trợ, thu hút học sinh vào học nghề Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã đồng bộ thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tác động tới nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp; Biên soạn, phát hành cuốn sách “Những điều cần biết về tuyển sinh trung cấp, cao đẳng năm 2018″ và tài liệu phục vụ tuyên truyền tuyển sinh “Giáo dục nghề nghiệp vì một tương lai bền vững”.
Tổ chức Cuộc thi viết “Tôi chọn nghề” (phối hợp báo Tuổi Trẻ); tổ chức chương trình giao lưu “Học nghề: Con đường dẫn tới sự nghiệp mơ ước”, giao lưu với Đại sứ nghề Australia…Xây dựng Ứng dụng Chọn nghề – Chọn trường trên thiết bị di động.
Chúng tôi cũng đặt hàng, xây dựng, sản xuất các sản phẩm truyền thông thông qua các hình thức file điện tử, tờ rơi/ấn phẩm truyền thông, video clip, file âm thanh, các bài hát để giới thiệu về nghề, dạy nghề, mô tả nghề, quảng bá hình ảnh giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tổng cục cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo; tăng cường gắn kết đào tạo trong trường với doanh nghiệp… tạo cơ hội cho học sinh được thực tập, thực hành nhiều tại doanh nghiệp.
Nhiều trường đã cam kết trả lại học phí nếu người học ra trường không có việc làm.
* Tại hội nghị công tác tuyển sinh năm 2017, ông từng thừa nhận tính tương tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục còn yếu. Đến nay, mối liên kết này đã có chuyển biến hay chưa?
– Thực tế cho thấy trước đây việc gắn kết giữa doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục hạn chế trên, ngay đầu năm 2018 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu cho Bộ Lao động – thương binh và xã hội có văn bản gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo, tăng cường hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Đồng thời tham mưu cho Bộ trưởng ra quyết định thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Tổ có nhiệm vụ tham mưu và thúc đẩy các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, gắn đào tạo với việc làm.
TRỌNG NHÂN thực hiện – tuoitre.vn