Tại nhiều hội chợ việc làm, các chuyên gia lao động, nhà tuyển dụng đều cho rằng lao động trẻ yếu kỹ năng như: giao tiếp, xử lý tình huống, tư duy sáng tạo…
Sinh viên tham quan chương trình hướng nghiệp tại trường đại học
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Vậy làm gì để hoàn thiện các kỹ năng lọt vào mắt nhà tuyển dụng, tham gia vào thị trường lao động?
Rèn luyện kỹ năng từ năm thứ 2 đại học
Theo anh Lý Quang Thắng, Trưởng phòng Đối tác nhân sự Công ty giao hàng nhanh, người từng định hướng nghề nghiệp cho nhiều sinh viên (SV), cho biết: “Năm thứ 1 học ĐH là khoảng thời gian làm quen với bạn bè, luyện tập khả năng thích nghi với môi trường mới. Đến năm học thứ 2, cần phải tích cực trang bị các kỹ năng cần thiết như: thuyết trình, khả năng làm việc đội nhóm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề… Hầu như SV mới ra trường còn yếu những kỹ năng này”.
Anh Thắng cũng chỉ ra rằng SV cần phải luyện cách thuyết trình, vì khi đi ứng tuyển, trong một phòng có nhiều nhân sự đang phỏng vấn bạn, làm sao để mình thuyết phục được nhà tuyển dụng. Nếu đã luyện qua nhiều lần, khi ra trường hoàn toàn đủ tự tin để thể hiện bản thân.
Tư duy phản biện, góp ý cũng là điểm yếu của SV hiện nay. Anh Thắng chia sẻ thêm: “Nếu nhân viên mới có thể đóng góp ý kiến, cải thiện được quy trình làm việc, hay rút ngắn thời gian sản xuất… cũng là cách tăng lợi thế cho nhân viên mới. Dù mới học qua năm 2 ĐH, nhưng hãy tập viết hồ sơ (CV) cá nhân trước. Bản thân có thời gian nhìn lại mình, thấy được những thiếu sót và kịp thời cải tiến trong năm tiếp theo để hồ sơ tốt hơn”.
Theo tiến sĩ Trần Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ việc làm Trường ĐH Bách khoa (TP.HCM), cho biết: “Trong suốt 4 năm học, chúng tôi cũng có nhiều chương trình nhằm giúp SV học tập tốt cũng như rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết. Trường cũng liên kết với nhiều doanh nghiệp, nên từ năm học thứ 2, chúng tôi cũng gửi SV đến tham quan, kiến tập tại các công ty, rồi sau đó làm báo cáo. Giai đoạn này cũng là lúc cho SV định hướng nghề nghiệp, chọn sẵn công ty mình muốn ứng tuyển sau khi ra trường. Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp “nhắm” chọn sẵn nhân lực để đào tạo nguồn cho công ty sau này. Ngoài ra, trường còn có thêm các đợt sinh hoạt công dân, mời các diễn giả tới trường để chia sẻ kinh nghiệm làm việc, hướng nghiệp… nên từ lúc học năm thứ 1, SV có thể hoạch định tương lai cho mình”.
Năm học thứ 3 có thể tập làm công nhân
Anh Lý Quang Thắng còn chia sẻ: “Hiện nay các công ty đều ứng dụng công thức 70 – 20 – 10, để huấn luyện nhân viên. 70% là khả năng tự học, thông qua quá trình làm việc, người lao động gặp vấn đề, xử lý, tự rèn luyện năng lực cho mình; 20% là học hỏi từ sếp trực tiếp, đồng nghiệp; 10% còn lại đến từ khóa học nghiệp vụ, chuyên môn… Con số 70% thể hiện 2 điểm, đầu tiên là phải xông vào mới biết mình thiếu sót chỗ nào, giải quyết và dần tiến bộ. Điều thứ 2 là yêu cầu khả năng tự học hỏi của người đó. Vì thế từ năm thứ 3 đại học, nếu có thể hãy đi làm ngay, càng đi làm sớm thì mình càng học được nhiều điều hay. Có thể đi làm công nhân ở xưởng giao hàng cũng được. Việc mình học cách làm việc tuân theo hệ thống, chính xác về thời gian, học được cách người trưởng ca đối xử với nhân viên ra sao, cách giao tiếp nơi công sở… điều học được nhiều hơn giá trị tiền lương kiếm được với công việc đó”.
Nhiều công ty có chương trình thực tập, đây là cơ hội để SV được đào tạo lại về kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Ông Andree Mangels, Giám đốc điều hành Adeco VN (công ty tuyển dụng), cho biết: “Qua nhiều năm, công ty chúng tôi ở VN và 60 quốc gia khác đang giúp SV hoàn thiện những kỹ năng cần thiết thông qua chương trình thực tập cũng như hội thảo với các trường đại học. Chương trình thực tập tại Adeco thường kéo dài 6 tháng, dành cho SV sắp hoặc mới tốt nghiệp. Trong suốt quá trình thực tập, SV sẽ được rèn luyện kỹ năng mềm cũng như chuyên môn cần thiết và được hưởng mức lương căn bản. SV cũng được chia sẻ về khả năng phát triển nghề nghiệp khi tiếp tục gắn bó với công ty”.
Ông Andree nhận xét: “SV VN mới ra trường dù có điểm số cao nhưng vẫn còn thiếu những kỹ năng mềm cần thiết. Các kỹ năng mềm cần phải được vận dụng thường xuyên trong công việc và có người hướng dẫn để giúp SV nhận ra điểm cần khắc phục. Đây là một trong những lợi ích khi tham gia chương trình thực tập”.
Nguyên Trang
(Theo Thanh niên)