Cơ khí chế tạo nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư

0
1088

Với nhiều lợi ích khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới , các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đang có xu hướng tăng đầu tư dự án sản xuất công nghệ cao.

Tập đoàn Schaeffler hoạt động trong lĩnh vực phụ tùng ô tô của Đức vừa khởi công xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai với khoản đầu tư được công bố là 55 triệu Euro.

Nhà máy dự kiến được xây dựng trên diện tích 5 ha (giai đoạn I) với kế hoạch hoàn thành trong quý IV/2018 và năng lực sản xuất hàng năm là 15 triệu sản phẩm. Với việc đầu tư nhà máy mới, Tập đoàn Schaeffler sẽ tăng năng lực sản xuất các dòng sản phẩm cụm gối đỡ và bi cầu chèn (RIBB) để cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô.

Ông Andreas Schick, Tổng giám đốc Schaeffler khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, nhà máy mới được trang bị công nghệ sản xuất tiên tiến của Schaeffler, sẽ thay thế cơ sở sản xuất hiện có đã được đầu tư, xây dựng cách đây hơn 10 năm.

“Việc đầu tư này củng cố cam kết lâu dài của chúng tôi vào khu vực này, đồng thời giúp phục vụ tốt hơn các khách hàng có nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao. Đây là nhà máy thứ hai do Schaeffler sở hữu ở Đông Nam Á và là một phần trong tầm nhìn của chúng tôi để củng cố hơn nữa dấu ấn hoạt động và công nghệ”, ông Andreas Schick nói và cho biết, Tập đoàn Schaeffler sẽ chuyển toàn bộ trách nhiệm sản xuất toàn cầu sang Việt Nam đối với danh mục sản phẩm sản xuất hiện nay. Trong thời gian tới đây, nhà máy tại Việt Nam cũng sẽ đảm trách sản xuất dòng sản phẩm mới cho vòng bi kim (NRB), là sản phẩm hàng đầu của Tập đoàn Schaeffler.

Chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2001, nhưng hiện mới được xem là thời điểm thích hợp để Schaeffler tăng tốc đầu tư. “Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng to lớn của Việt Nam vì trình độ giáo dục kỹ thuật cao, đạo đức làm việc tuyệt vời của nhân viên và sự nhiệt tình trong sản xuất”, đại diện của Schaeffler lý giải về quyết định chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất mới.

Tuy nhiên, Schaeffler cũng không phải là nhà sản xuất hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô quyết định chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất mới. Hồi tháng 7 vừa qua, đại diện Tập đoàn Bosch (Đức) đã công bố thông tin về việc sẽ đầu tư thêm 47 triệu USD cho nhà máy tại Việt Nam.

Cụ thể, khoản đầu tư này là để bổ sung máy móc, dây chuyền sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu về dây đai truyền lực đang tăng của các doanh nghiệp ô tô ở thị trường ASEAN và châu Á. Trong 3 năm trở lại đây, Bosch cũng liên tục tăng vốn đầu tư cho nhà máy tại KCN Long Thành (Đồng Nai). Tính tới cuối năm 2016, đầu tư của Bosch tại đây là 365 triệu USD.

Những khoản đầu tư liên tục này cho phép nhà máy của Bosch nội địa hóa toàn bộ quy trình sản xuất dây truyền lực. Được biết, Bosch là một trong 4 doanh nghiệp tại Đồng Nai được cấp chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm làm ra từ nhà máy này đều được xuất khẩu.

Trong cơ cấu thu hút vốn FDI thời gian gần đây, lĩnh vực cơ khí chế tạo luôn chiếm tỷ trọng lớn, đóng góp tích cực vào kết quả chung. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, lĩnh vực này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư của Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, Tập đoàn Nidec của Nhật Bản đã hoàn thiện các thủ tục tăng vốn đầu tư, đưa tổng số vốn đầu tư đăng ký lên hơn 446 triệu USD.

Tại SHTP, Tập đoàn Nidec hiện có 5 công ty thành viên được cấp phép, hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác – tự động hóa. Trong đó, Công ty Nidec Việt Nam Corporation, chuyên sản xuất và tiêu thụ các linh kiện chính xác mô tơ có vốn đầu tư 200 triệu USD; Công ty Nidec Copal Precision Việt Nam, chuyên thiết kế, sản xuất và kinh doanh các loại mô tơ compact có độ chính xác cao và các linh phụ kiện của mô tơ có vốn đầu tư 110 triệu USD…

Trước đó, Dự án của Công ty TNHH Tsurumi Pump Việt Nam (Nhật Bản) cũng được cấp phép vào KCN Hiệp Phước (TP.HCM). Dự án này chuyên sản xuất các loại máy bơm và các phụ tùng, bộ phận máy bơm trên diện tích 2,3 ha, có tổng vốn đầu tư 156 tỷ đồng. Theo đại diện Tsurumi Pump Việt Nam, nhà máy có khả năng sản xuất hơn một triệu máy bơm một năm và tạo ra hơn 1.500 loại sản phẩm khác nhau. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động dịp đầu năm 2019.

Tập đoàn Tsurumi là một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về các sản phẩm ngành nước và cũng là một trong những hãng tiên phong trong việc sản xuất và phát triển các chủng loại bơm.

Những dự án đầu tư quy mô lớn như vậy sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm mới cho lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động trong ngành cơ khí.


Theo Baodautu.vn