Hiểu đúng mình để chọn đúng ngành học

0
1544

TTO – Làm sao để xác định đúng năng lực bản thân, từ đó chọn ngành học phù hợp là mối quan tâm chính của hơn 3.000 học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021 tại Bình Thuận sáng 29-11.

Hiểu đúng mình để chọn đúng ngành học - Ảnh 1.

Hơn 3.000 học sinh tỉnh Bình Thuận hào hứng tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ sáng 29-11 – Ảnh: D.PHAN

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Chọn sai ngành thì làm sao?

Bạn Phạm Huỳnh Hạ Vy (học sinh lớp 12B2 Trường THPT Lý Thường Kiệt) nêu hai câu hỏi: “Giả sử khi đã trúng tuyển nhưng sau một thời gian học mới phát hiện mình chọn nhầm ngành học thì phải làm gì? Nếu có đam mê nhưng không đủ năng lực, hoặc có năng lực nhưng lại không đam mê thì chọn ra sao?”.

Tư vấn cho nữ sinh này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho biết đây là băn khoăn của phần lớn học sinh và cả sinh viên trong nhiều năm nay.

Theo thầy Hùng, hiện nay các trường ĐH đào tạo nhiều ngành, một số trường cho phép sinh viên được chuyển sang ngành học khác nếu đủ điểm tuyển sinh đầu vào của ngành đó. Sinh viên cũng có thể chọn học thêm ngành thứ hai với điều kiện đáp ứng một số yêu cầu về kết quả học tập theo quy định của trường.

“Trong chọn ngành, trước hết phải chọn ngành mình đam mê. Nếu không đam mê sẽ không hoàn thành tốt việc học được. Bên cạnh đam mê cũng cần xét tới yếu tố năng lực học tập và tài chính. Nếu em đam mê ngành hot, điểm cao nhưng học lực trung bình, hoặc muốn vào trường có học phí cao trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn thì lựa chọn đó sẽ không phù hợp.

Hiện nay một ngành học được đào tạo ở rất nhiều trường khác nhau. Nếu điểm không đủ sức vào trường tốp trên có thể chọn trường tốp dưới. Tôi khuyên các em nên chọn ngành mình yêu thích, có đam mê để học” – thầy Hùng nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cũng cho hay thực tế có rất nhiều em vào học ĐH mới phát hiện mình chọn sai ngành, tạo ra tâm lý chán nản. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cơ cấu ngành nghề thay đổi rất nhanh, dẫn đến nhu cầu nhân lực của từng vị trí công việc cũng thay đổi.

Quy chế đào tạo hiện nay cho phép sinh viên được chuyển trường nếu được sự đồng ý từ hiệu trưởng của hai trường. Đồng thời điểm trúng tuyển đầu vào của sinh viên phải cao hơn (cùng tổ hợp) điểm chuẩn ngành muốn chuyển sang.

Không nên theo số đông, cảm tính

ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc chọn ngành theo đam mê là rất quan trọng, nếu chọn sai ngành sẽ thất bại trong học tập. “Hằng năm ở các trường ĐH có cả ngàn sinh viên bị đình chỉ, buộc thôi học vì lý do chọn sai ngành, không có đam mê nên không thích học, dẫn đến kết quả học tập thấp” – thầy Quán nói.

TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng ngàn sinh viên bị đình chỉ, buộc thôi học, bỏ học hằng năm ở các trường do chọn sai ngành dẫn đến chán nản, không muốn học hoặc không đủ sức học.

“Thật sự rất nhiều học sinh không hiểu về ngành học. Phần lớn các em chỉ quan tâm học ngành nào ra trường dễ tìm việc, thu nhập cao nên chọn sai ngành. Trong khi việc làm và thu nhập đều phụ thuộc vào chính năng lực của mỗi người” – thầy Hạ nói.

“Các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về ngành học, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp, nhà trường có cho bạn cơ hội tốt không sau khi tốt nghiệp. Các bạn nên có lựa chọn theo quyết định của chính mình, không nên theo số đông, không chọn theo cảm tính” – thầy Hạ khuyên.

Chọn đúng ngành, nghề để cống hiến nhiều nhất

Phát biểu tại buổi tư vấn, ông Phan Đoàn Thái – giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận – dẫn câu chuyện của Lev Landau – nhà vật lý Liên Xô (cũ), chủ nhân giải Nobel vật lý năm 1962. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 13 tuổi với thành tích xuất sắc đặc biệt về toán và vật lý, Landau đã ghi danh vào Học viện Kinh tế theo yêu cầu của cha. Nhưng chỉ học kinh tế được 1 năm, Landau quyết định nghỉ học vì chán ngán và được cha cho phép học toán và vật lý tại một trường đại học khác.

“Tôi muốn gửi câu chuyện này đến tất cả các em học sinh lớp 12 trong tỉnh với hi vọng các em sẽ hoàn thành tốt năm học 2020-2021 và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 để có thể bay cao hơn và xa hơn. Tôi cũng muốn các em ghi nhớ thông điệp của câu chuyện: hãy chọn đúng ngành, nghề phù hợp với năng lực của mình và nhu cầu của xã hội để có thể cống hiến nhiều nhất cho cộng đồng” – thầy Thái nhắn nhủ.